image banner
Người “thuyền trưởng” của chúng tôi

Sáng tạo, đam mê, mẫu mực, tài giỏi,... đó là những phẩm chất của chị - người thuyền trưởng, người đứng đầu của ngôi trường mang tên Đại thi hào nổi tiếng. Chị là Trần Thị Liên. 

Chị Trần Thị Liên, sinh ngày 26 tháng 01 năm 1973. Tính đến năm 2021, chị có 22 năm trong nghề, trong đó có 02 năm là giáo viên, 08 năm là Phó Hiệu trưởng và 12 năm là Hiệu trưởng. Trong quá trình công tác, khi còn là giáo viên chị luôn đạt Giáo viên dạy giỏi cấp Huyện, cấp Tỉnh; khi là người quản lí chị được đánh giá là một quản lí dám nghĩ, dám làm, say mê công việc, có tầm nhìn chiến lược, có tinh thần tự học, thông minh, tích cực và biết vượt khó. Đặc biệt, ở bất kì cương vị nào chị đều được đánh giá là người sáng tạo, tâm huyết, luôn biết thổi hồn đam mê cho đồng nghiệp và đội ngũ, luôn đi đầu trong các phong trào và là người “Nói đi đôi với làm”. 22 năm công tác với 04 lần được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 01 lần đạt giải nhất Quản lí giỏi cấp tỉnh, 06 năm được công nhận danh hiệu LĐTT, 13 năm được công nhận danh hiệu CSTĐCS, 02 năm được công nhận danh hiệu CSTĐ cấp tỉnh, 02 lần nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai và nhiều thành tích khác. Hiện chị là người đứng đầu, là thủ lĩnh của ngôi trường top đầu thành phố Lào Cai – Trường tiểu học Nguyễn Du.

Tóm tắt quá trình công tác:

- Từ năm 1999 đến năm 2006: Là giáo viên, Phó Hiệu trưởng, Bí thư Chi bộ trường Tiểu học Trung Trải – Sa Pa – Lào Cai;

- Từ năm 2006 đến năm 2007: Là giáo viên, tổ trưởng chuyên môn trường Tiểu học Vạn Hòa – TP Lào Cai;

- Từ năm 2007 đến năm 2017: Là Phó Hiệu trưởng, Hiệu trưởng, Bí thư Chi bộ trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc – TP Lào Cai;

- Từ năm 2017 đến nay: Là Hiệu trưởng, Bí thư Chi bộ trường Tiểu học Nguyễn Du – TP Lào Cai.

Tôi gặp chị lần đầu vào năm 2009. Năm ấy, tôi là một giáo viên của trường Tiểu học Thị trấn Bát Xát tham gia Hội thi CBQL giỏi và Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh còn chị là ban giam khảo và cũng là “thí sinh” tham dự hội thi. Ấn tượng của tôi về chị - Một giám khảo nghiêm khắc, cầu toàn và rất thẳng thắn. Những lời nhận xét tiết dạy của chị khiến một giáo viên mới vào nghề như tôi ấn tượng, cảm phục và luôn ghi nhớ. Sau lần gặp ấy, nhiều lần tôi cùng tập huấn hay tham gia một vài lớp học với chị. Lần nào, chị cũng để lại trong tôi những dấu ấn riêng. Khi là một người hoạt bát, thông minh, khi là người chăm chỉ, trách nhiệm nhưng nổi bật ở chị là người ham học hỏi, tự chủ và tự tin. Có lần, chị nói với tôi “Ghi chép là cách học tốt vì một nét chữ mờ hơn ngàn lần trí nhớ tốt”. Để rồi cơ duyên đến, năm học 2017-2018, chị nhận nhiệm vụ về công tác và giữ chức vụ Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Du. Kể từ đó, tôi được làm việc dưới sự chỉ đạo, dẫn dắt của chị. Chị là một trong số những người giúp tôi trưởng thành hơn, tự tin hơn, trách nhiệm và đam mê. Cùng được công tác, cùng được làm việc, tôi biết nhiều hơn về chị.

Phần 1: Bước khởi nghiệp đầy vinh quang

Chị sinh ra và lớn lên trong gia đình bố mẹ làm cán bộ nhà nước, quê Hà Nam. Chị “bén duyên” với nghề khi chị đã xây dựng gia đình. Năm 1997, chị theo học lớp Trung cấp Sư phạm Lào Cai. Tốt nghiệp ra trường năm 1999, chị nhận công tác tại Trường THCS vùng cao Trung Trải, huyện Sa Pa. Khó khăn chồng chất, con nhỏ chị gửi ông bà, chồng chị thì công tác tại chi cục Kiểm lâm huyện Bắc Hà, bản thân chị dạy ở một xã vùng cao, gia đình “xẻ” làm ba chốn. Khó khăn thế những chị không chùn bước mà “Trong khó khăn mình thấy rõ sức mạnh của tình yêu nghề” – Chị giãi bày. Là giáo viên trẻ, ngay năm học đầu tiên, năm học 1999-2000, chị đã đạt giáo viên giỏi cấp huyện theo Quyết định số 65/KT, ngày 21/8/2000. Và cũng trong năm học này, cô giáo trẻ được bổ nhiệm là Bí thư Chi bộ - Phó Hiệu trưởng trường THCS Trung Trải – Sa Pa với 12 điểm trường lẻ và 01 điểm trường chính. Tiếp tục gặp hái thành công trong những năm tiếp theo, năm học nào chị cũng duy trì và giữ vững danh hiệu Giáo viên giỏi cấp huyện. Đến năm học 2002-2003, chị đạt danh hiệu CSTĐCS theo Quyết định số 371/KT ngày 14/8/2003. Từ năm học đó đến năm học 2004-2005, chị luôn đạt danh hiệu CSTĐCS – Một thành quả mà không phải ai cũng dễ đạt được.

Những tháng năm công tác ở Trung Trải, chị luôn sáng tạo, hết mình vì học trò, chị vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND Tỉnh Lào Cai theo QĐ số 2925/KT, ngày 11/11/2004. Đây là thành quả cho sự cố gắng và nỗ lực không mệt mỏi. Chị tâm sự: “Nhớ những ngày ở Sa Pa, trời giá rét, buốt đến thấu xương, học sinh thiếu thốn, nhiều em không muốn đi học mình phải đi vận động các con đến trường. Con đường kiếm cái chữ của học sinh gian nan khi hủ tục lạc hậu vẫn còn đâu đó. Đồng nghiệp của mình cũng vất vả. Mình phải làm tốt công tác dân vận, luôn động viên đội ngũ để các anh chị em yên tâm công tác. Ngày ấy, trường THCS Trung Trải có 12 điểm trường lẻ, đôi chân mình đi không biết mỏi. Bảy năm dòng, cứ đầu tuần đi cuối tuần mới về với gia đình!”. Rồi chị tiếp: “Đúng sống bằng tâm, ắt nghề không phụ”. Tôi thực sự thích câu nói ấy. Dòng tâm sự của chị chảy dài mãi vì những năm đầu tiên ấy – những năm tuổi trẻ đầy gian khổ, sức mạnh của tình yêu nghề, sức mạnh của trách nhiệm đã giúp chị chiến thắng và tạo nên những vinh quang cho riêng mình. Dù vậy, vẫn đau đáu trong tâm một lòng mong mỏi được về công tác gần nhà để có thời gian chăm sóc gia đình vì lúc ấy, cả hai con của chị đều gửi ông bà chăm sóc, thiếu sự gần gũi của mẹ và bố vì anh lúc này công tác tại Chi cục Kiểm lâm Tân An, Văn Bàn.

Thế rồi mong ước của chị được thực hiện. Năm 2006, chị chia tay Trung Trải và nhận quyết định về công tác tại trường Tiểu học Vạn Hòa, Thành phố Lào Cai. “Những năm ấy, trường Tiểu học Vạn Hòa vẫn là một trong những ngôi trường vùng nông thôn, khó khăn cũng chẳng kém nhưng được gần nhà, đó là hạnh phúc” – Chị chia sẻ. Năm học 2006-2007, chị là giáo viên giảng dạy lớp 5, là tổ trưởng chuyên môn. Vừa chân ướt chân ráo về Thành phố, chị tham gia và đạt kết quả cao trong Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và cuối năm học, chị đạt danh hiệu CSTĐCS. Thành công nối tiếp thành công. Nó là thành quả của sự phấn đấu không mệt mỏi, là sự hi sinh thầm lặng và sự nỗ lực vươn lên. Có thể nói, những năm khởi nghiệp với chị đầy vinh quang và gặt được quả ngọt.

Phần 2: Nguyễn Bá Ngọc - Khát vọng và tình yêu

Chia tay trường Tiểu học Vạn Hòa sau một năm công tác, năm học 2007-2008, chị về nhận công tác và là Phó Hiệu trưởng trưởng Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc. Sau 2 năm, năm học 2009-2010, chị được giao nhiệm vụ là Bí thư Chi bộ, quyền Hiệu trưởng nhà trường. Chia sẻ về những khó khăn của những ngày đầu, chị tâm sự: “Nhớ lúc ấy, trường chỉ có 280 em học sinh mà có tới 70 em ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Lào Cai. Về đội ngũ, nhiều cô giáo đang chuẩn bị nghỉ hưu. Học sinh ít, những học sinh ở Trung tâm Bảo trợ tỉnh gặp nhiều khó khăn về: hoàn cảnh, nhận thức, vận động,.. thậm chí rất nhiều em mắc bệnh hiểm nghèo”. Chị dừng lại như nhớ về điều gì khiến chị xúc động, khóe mắt rưng rưng, chị hít hơi thật sâu rồi tiếp: “Khi khảo sát học sinh, mình nhận thấy nhận thức của nhiều em chưa cập với trình độ lớp đang học. Có những học sinh mình phải cho xuống học lại lớp dưới. Lúc đó, mình nhận được sự phản đối của một bộ phận giáo viên. Nhưng mình là người quản lí nên mình vượt lên tất cả để nghĩ đến các em, nghĩ đến tương lai của bọn trẻ, mình quan niệm “chậm một năm còn hơn sai cả đời”. Khó khăn không chỉ dừng lại ở đó, chị tiếp tục chia sẻ: “Thế rồi, năm học mới, vấn đề tuyển sinh gặp không ít trở ngại. Phụ huynh trên địa bàn có xu hướng cho con theo học các trường có điều kiện tốt hơn. Một bài toán đặt ra khiến người quản lí như mình luôn đau đáu mỗi mùa tuyển sinh - làm sao thu hút được học sinh, phụ huynh yên tâm gửi con”. Bài toán ấy, được chị tháo gỡ dần. Chị quan tâm đến chất lượng giáo viên dạy lớp Một, sau đó làm tốt công tác tuyên truyền, tham mưu với chính quyền địa phương để rồi số học sinh tăng dần. Ban đầu về nhận công tác, trường chỉ có 10 lớp với 280 học sinh, đến năm học 2016-2017, trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc đã có 15 lớp với trên 500 học sinh. Như vậy, cả số lớp, số học sinh và số học sinh trên lớp đều tăng. Người dân yên tâm nhiều khi cho con học tập ở ngôi trường vùng ven thành phố. Đây là một thành quả ghi dấu những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của một người thuyền trưởng tâm huyết.

Chia sẻ về điều tâm đắc nhất trong 10 năm công tác – nói đúng là 10 năm cống hiến ở Nguyễn Bá Ngọc, chị tâm sự: “Mình gửi cả tấm lòng mình, đầu tư trí tuệ và tâm huyết cho ngôi trường ấy với mong muốn thu hẹp lại khoảng cách so với các trường trung tâm và tạo điểm nhấn riêng cho Nguyễn Bá Ngọc”. Chả thế, năm học 2012-2013, một hệ thống mamera trường học được lắp đặt hoàn chỉnh, kinh phí có được là do chị cùng tập thể làm tốt công tác xã hội hóa. Đây cũng là ngôi trường đầu tiên ở thành phố tiên phong trong việc lắp camera tại các lớp học. Những năm học sau đó, trường trở thành địa chỉ tham quan, chia sẻ kinh nghiệm quản lí, chỉ đạo cho nhiều đoàn trong và ngoài tỉnh đến học tập. Lưu lại trong trang lưu bút, họ gọi chị với cái tên yêu thương thể hiện sự cảm phục “Trần Quyết Liệt”. Năm học 2015-2016, là năm học Phòng Giáo dục – Đào tạo triển khai và đẩy mạnh phong trào “Xây dựng mô hình trường học gắn với thực tiễn”. Chị đã bắt tay vào công việc như một định mệnh gắn liền. Chị chọn mô hình “Khát vọng và Lòng nhân ái” để xây dựng mô hình của trường. “Trường nhiều học sinh quá khổ, quá khó, bệnh nặng. Bên cạnh những học sinh Trung tâm Bảo trợ tỉnh còn nhiều hoàn cảnh vô cùng thương tâm. Mình quyết tâm làm thành công mô hình này với mong ước làm được một việc tốt xóa bớt những đau thương, giảm thiệt thòi cho các em ấy”. Chị cho biết, những ngày đầu thực hiện, chị cũng gặp không ít khó khăn, thêm việc, thêm sự vất vả nhưng được đội ngũ tin tưởng, cả trường cùng một lòng quyết tâm từ việc viết tài liệu hóa, quay video tiết học để làm tư liệu đến việc tổ chức các sự kiện. Vì thế, sau 2 năm thực hiện, nhà trường có đủ bộ tài liệu hóa cho Mô hình trường học từ Khối 1 đến Khối 5. Mỗi năm, nhà trường tổ chức 2-3 sự kiện để kêu gọi các mạnh thường quân, những doanh nghiệp, những nhà hảo tâm ủng hộ cho các em. Sau mỗi sự kiện, số tiền được ủng hộ cho những học sinh nghèo vượt khó hay bị bệnh hiểm nghèo. Chị chia sẻ: “Hàng nghìn lượt học sinh được nhận ủng hộ và hỗ trợ nhưng có 02 em là Hồ Bảo Vy – ung thư xương và Dương Hồng Nhi - ung thư máu được nhận nhiều hơn, khoảng 70-80 triệu đồng/năm để chữa bệnh”. Thật là đáng quý và đáng trân trọng. Chị tiếp lời: “Một mình mình không thể làm được nên phải dựa sức mạnh của tập thể và cộng đồng. Đặc biệt, mình phát động phong trào“Lợn nhựa nhân ái” – mỗi lớp nuôi một con, mỗi năm mổ 2 lần đã thu hút được hầu hết học sinh tham gia”. Và sau 2 năm thực hiện mô hình trường học chị cùng tập thể nhà trường cho xuất bản tập thơ “Suối nguồn yêu thương” là những tâm tư, những bài viết, lời tựa từ đáy lòng của chị, của tập thể cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh.

Để nhận được sự ủng hộ tạo nên những thành công ấy, chị đã có nhiều cách làm hay, khoa học, sáng tạo được phụ huynh và chính quyền địa phương ủng hộ. Đặc biệt, chị đã phối hợp tốt cùng Đài truyền hình Lào Cai đồng nhất sự kiện của nhà trường với chương trình Thắp sáng ước mơ. Chính cách làm ấy đã tạo nên những thành tựu riêng có, tiếng vang của Nguyễn Bá Ngọc đánh giá sự thành công từ mô hình trường học gắn với thực tiễn để từ đó có nguồn kinh phí thực hiện được ước mơ chia sẻ yêu thương với những học sinh khó khăn, những em ở Trung tâm Bảo trợ Trẻ em của tỉnh.

Bên cạnh đó, chị luôn quan tâm đến chất lượng đội ngũ và chất lượng giáo dục thực chất, quan tâm đến việc xây dựng cảnh quan nhà trường, nền nếp của giáo viên và học sinh. Vì vậy, Nguyễn Bá Ngọc đã vươn lên nâng tầm cả về số lượng lẫn chất lượng. Giáo viên, học sinh tham gia các sân chơi đều mang về những vinh quang cho trường. Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc được công nhận là Tập thể Lao động xuất sắc và nhận bằng khen của Chủ tịch UNBD tỉnh Lào Cai năm học 2014-2015.

Ghi nhận những thành tích của tập thể là những thành tích cá nhân của chị. Liên tục trong 2 năm học 2007-2008 và 2008-209, chị đạt danh hiệu LĐTT. Năm học 2009-2010, chị đạt Giải Nhất Hội thi CBQL Giỏi cấp tỉnh, đạt danh hiệu CSTĐCS theo QĐ 1434/QĐ-UBND ngày 11/9/2010 và danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” cấp tỉnh, theo QĐ số 210/LĐLĐ tỉnh ngày 20/5/2010. Liên tục nhiều năm liền từ năm học 2010-2011 đến năm học 2013-2014, chị đạt danh hiệu CSTĐCS, nhiều bằng khen, giấy khen của UBND phường Duyên Hải, của Liên đoàn lao động Thành phố,… Năm học 2013-2014, chị vinh dự nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai theo QĐ số 3538/QĐ-UBND tỉnh Lào Cai ngày 14/11/2014. Năm học 2014-2015, chị xuất sắc đạt Sáng kiến cấp tỉnh theo QĐsố 764/QĐ-UBND tỉnh Lào Cai ngày 30/3/2015 và công nhận danh hiệu CSTĐ cấp tỉnh theo QĐ số 4127/QĐ-UBND tỉnh Lào Cai ngày 12/11/2015. Cũng trong năm học này, chị là một trong số ít CBQL đạt tiêu chuẩn Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm năm liền từ 2011-2015 theo QĐ số 321/QĐ-TU ngày 07/01/2016. Đó là những thành tích không dễ đạt được. Hai năm học tiếp theo, năm học 2015-2016, 2016-2017, chị vẫn giữ vững danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” và danh hiệu CSTĐCS. Những thành tựu ấy là kết quả xứng đáng dành cho những con người lao động chân chính và sáng tạo.

Thật chẳng sai khi nói rằng Nguyễn Bá Ngọc là tình yêu, Nguyễn Bá Ngọc là tâm huyết và là sự thành công vượt bậc trong giai đoạn này của cá nhân chị.  

Phần 3: Nguyễn Du - Vùng đất mới - Nơi chị thỏa sức sáng tạo và nâng tầm quản lý

Theo sự phân công, điều động của cấp trên, năm học 2017-2018 chị nhận nhiệm vụ chèo lái con thuyền Nguyễn Du – Ngôi trường trung tâm của thành phố Lào Cai. Những bước đi ban đầu còn chông chênh ghềnh đá, với những khó khăn mà yêu cầu người thuyền trưởng ấy phải vững vàng, kiên định, sáng tạo. Bằng kiến thức, kĩ năng, bằng trách nhiệm và sự quyết tâm, chị đã dần hòa nhịp và đưa con thuyền đi vào guồng quỹ đạo. “Lúc đầu, mình chưa sẵn sàng cho sự thay đổi mặc dù mình được các lãnh đạo đã trao đổi, động viên một phần do mình đang quen, đang theo guồng của Nguyễn Bá Ngọc; một phần Nguyễn Bá Ngọc là tâm huyết của mình. Nhưng rồi, mình xác định đây là nhiệm vụ, sứ mệnh Đảng giao, là trách nhiệm và là cái “duyên” nên mình bắt tay ngay vào công việc khi có quyết định điều động”. Chị tâm sự vậy và tôi thấy rõ đôi chút còn vương vấn, còn lăn tăn nhưng rồi thay vào đó là sự quyết tâm và năng lượng dồi dào của một người thuyền trưởng tâm huyết. Khi bắt tay vào việc, một mặt chị phát huy truyền thống và những thành tựu do các thế hệ nhà giáo đi trước gây dựng, một mặt chị tìm điểm nhấn, tạo luồng gió mới cho ngôi trường ấy. Những dự kiến, hoạch định, những kế hoạch ngắn hạn, dài hạn được xây dựng, thiết lập và tìm giải pháp phù hợp.

Quan tâm số một của chị là chất lượng. Chị say mê với công việc, luôn lấy chất lượng giáo dục làm kim chỉ nam tạo niềm tin cho cha mẹ học sinh, niềm tin trong cộng đồng. “Chất lượng phải thật, phải bền vững đó mới là cái gốc của giáo dục. Đồng thời học sinh phải được sáng tạo, được phát triển toàn diện”. Đó là mong muốn của chị cũng là chỉ đạo của các nhà quản lí Giáo dục Lào Cai. Từ quan điểm đó, chị luôn có kế hoạch chỉ đạo sát, sâu và khoa học. Từ việc chọn chuyên đề, đầu tư chuyên sâu, quan tâm chất lượng bền vững, chất lượng mũi nhọn đến các hoạt động các đoàn thể đều được chị chú trọng. Đặc biệt, chị là người luôn đi đầu trong việc tiếp thu, triển khai và thực hiện cái mới. Luôn tạo niềm tin, động lực để đội ngũ không ngại khó, không ngại khổ và luôn say chuyên môn. Chị luôn phát huy khả năng lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ để sự đồng thuận ngày một nâng hơn.

Song song với chất lượng là thương hiệu của trường. Xác định được thế mạnh, nhu cầu của thực tiễn và để bắt kịp với xu hướng phát triển, chị đề xuất và cùng tập thể lựa chọn mô hình Truyền thông và Hội nhập để xây dựng thương hiệu nhà trường. “Khi mình vạch kế hoạch xuất bản tờ báo riêng của nhà trường, rất nhiều ý kiến của giáo viên phản đối cho rằng không có bài, mất thời gian, hay vất vả,… Vô vàn lí do đưa ra. Ban đầu, mình cầm tay chỉ việc, sau mình giao cho nhóm phụ trách. Mình quyết tâm làm cho được và làm thật tốt. Lúc bắt đầu, số lượng giáo viên viết được tin bài rất ít, câu từ diễn đạt lủng củng. Mình mời nhà báo về tập huấn sau đó chính mình là người trực tiếp sửa từng tin bài, hướng dẫn cặn kẽ. Và rồi, thành công đã tới, từ số báo đầu tiên tháng 9 năm 2017 cho đến nay đã duy trì và cho ra 14 số báo liên tục. Số sau hơn số trước cả về lượng và chất.” – Chị chia sẻ như đúng dòng cảm xúc. Tôi được sát cánh cùng chị trong việc xây dựng kế hoạch, duyệt bài, sửa lỗi,… để cho ra mắt tờ chuyên san. Phải nói, chị tâm huyết đặt cả niềm tin, tình yêu của mình vào đó. Những hoạt động của nhà trường, những tấm gương người tốt, những bài viết, những cảm xúc của giáo viên, học sinh, những sản phẩm bài viết, bài vẽ đẹp của các em đều được lựa chọn đăng báo. Không chỉ khuyến khích giáo viên viết mà chị còn khuyến khích được học sinh, phụ huynh và lan tỏa ra cộng đồng cùng tham gia viết tin bài - Riêng chị là tay viết số 1 của nhà trường với rất nhiều bài đăng trên các trang của Phòng GD&ĐT, của Sở, và trên trang Web của trường) - Tờ chuyên san của trường đã trở thành mô hình điểm, được Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao về khả năng sáng tạo của nhà trường. Đây cũng là điểm riêng có của trường. Chị tiếp tục chia sẻ:“Thế rồi, việc viết tài liệu hóa mô hình, việc quay video và làm tư liệu của mô hình trường học, ban đầu mình nhận được vô vàn những lí do, những khó khăn nhưng mình luôn đặt niềm tin ở đội ngũ – và sự thật niềm tin của mình đã chiến thắng. Chúng mình đã biên tập bộ tài liệu hóa mô hình trường học từ khối 1 đến khối 5 theo từng chủ đề phù hợp. Mình cho rằng đây là những thành công ban đầu.” Những thành tựu của Nguyễn Du là kết quả của tình yêu và tâm huyết, là kết quả của sự quyết tâm, kiên nghị và sáng tạo. Mỗi năm đi qua là một thành quả được ghi lại. Những thành tựu của Nguyễn Du hôm nay là kết quả của các thế hệ nhà quản lí, nhà giáo trong đó có sự nối tiếp trang sử vàng truyền thống của chị. “Được tiếp tục xây dựng Nguyễn Du mạnh là một hạnh phúc và trách nhiệm của mình. Chắc chắn mình cùng tập thể sẽ chung sức để Nguyễn Du thành trường chất lượng cao trong năm 2023. Con đường ấy không trải đầy hoa hồng mà cần sự quyết tâm và vào cuộc mạnh mẽ của toàn xã hội trong đó nội lực phải được phát huy trước.” – Chị giãi bày khi được hỏi về lộ trình phát triển nhà trường. Trong lộ trình xây dựng ấy, yêu cầu đầu tiên của người quản lí là kiến thức và trình độ học vấn. Chị cũng là người đi đầu cho việc học nâng chuẩn – Hiện chị đang theo học lớp Thạc sĩ CBQL và chị đã động viên thêm 02 giáo viên cùng theo học Thạc sĩ. Chính chị là người tiếp lửa cho phong trào học tập của tập thể giáo viên.

Bên cạnh đó, cảnh quan nhà trường cũng được chị quan tâm. Tự tay chăm sóc hoa, trồng cấy hoa trong những giờ nghỉ, ngày nghỉ là hình ảnh tôi vẫn thường thấy ở ngôi nhà Nguyễn Du. Chị bảo: “Trường là nhà. Chăm sóc, giữ gìn, làm đẹp trường cũng chính là làm đẹp cho đời”. Hưởng ứng phong trào trường sáng – xanh – sạch- đẹp, chị phát động cán bộ giáo viên nhân viên và các nhà hảo tâm ủng hộ cây, chậu, đất, ngày công,.. Kết quả những chậu cây, những khóm hồng, những luống hoa được trồng mới để đủ ngày đủ tháng chúng khoe sắc, tỏa hương làm đẹp cho trường.

Trong công việc khác, chị luôn có kế hoạch dài hơi cùng với những chỉ dẫn chi tiết cụ thể, giao việc đúng người, đúng năng lực. Vì thế cả tập thể Nguyễn Du giống như một dây chuyền nhuần nhuyễn. Nếu ở khâu nào đó còn vướng mắc, chị nghiêm túc nhìn nhận, nhắc nhở và giúp đỡ kịp thời. Trong công tác đoàn thể, chị sát sao chỉ đạo, hạn chế để việc chậm chễ. Ở chị toát lên hình ảnh một người lãnh đạo luôn cầu toàn, trách nhiệm, và chút nghiêm khắc. Chị thẳng thắn góp ý, nhắc nhở và chấn chỉnh kịp thời. Chính vì thế trong suốt nhiều năm qua, tập thể nhà trường không có giáo viên viên vi phạm kỉ luật phát ngôn, tư tưởng vững vàng, không có giáo viên bị khiển trách, kỉ luật,…mà chất lượng giáo viên ngày một nâng tầm.

Đầu năm học này, trường được chuyển sang cụm trường của phường Kim Tân với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Kế hoạch, kịch bản chuyển trường được chị lên chi tiết cụ thể, phân việc cho từng đối tượng, từng thành viên tỉ mỉ. Chỉ vẻn vẹn 20 ngày, việc chuyển trường, ổn định cơ sở mới đã xong, mọi thứ đã đi vào quỹ đạo để thầy và trò sẵn sàng một năm học mới. Với những điều kiện hiện đại nhà trường đang có, chị luôn nhắc nhở đội ngũ nâng cao nhận thức trách nhiệm của bản thân trong việc giữ gìn, phát huy những thành tựu và thấy được vai trò, niềm vinh dự khi được công tác một ngôi trường đẹp nhất tỉnh. Cũng trên lộ trình xây dựng trường chất lượng cao, chị tham khảo, tìm hiểu và đưa vào sử dụng phần mềm SISAP thu tiền miễn phí giúp phụ huynh, giáo viên, kế toán và thủ quỹ thuận lợi; triển khai điểm danh tự động để bước đầu công nghệ số hóa trường học. Chị dự kiến sẽ lắp đặt hệ thống tưới nước thông minh, phát triển tốt dự án của học sinh khối 5 về mô hình Nhà vệ sinh thông minh và nhiều dự định khác hứa hẹn một ngôi trường Nguyễn Du sẽ tiến kịp với một Vinschool, một Đoàn Thị Điểm trong những ngày không xa cả về lượng và chất.

Bằng cách làm hay, công tác chỉ đạo sát, Nguyễn Du hôm nay trở thành điểm đến thực sự đáng tin cậy của các bậc phụ huynh. Trong những năm gần đây, chất lượng giáo viên, học sinh, chất lượng mũi nhọn được nâng lên rõ rệt. Tỉ lệ giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tường, cấp Thành phố, cấp Tỉnh ngày một nâng lên. Giáo viên tích cực tham gia các sân chơi do Phòng Giáo dục, Sở Giáo dục hay các cấp tổ chức. Đặc biệt, giáo viên tăng cường viết tin bài đăng tải trên các kênh thông tin, xuất bản trên 10 000 bản cứng tờ chuyên san với 14 số (sau mỗi số, 20 học sinh được nhận thưởng qua chuyên mục Đánh thức tài năng), nhiều bài viết về hoạt động giáo dục của nhà trường do CB,GV nhà trường viết được đăng tải trên bản tin Thành phố, hơn 500 tin bài được đăng tải trên cổng thông tin của trường, của phường, của Phòng Giáo dục, của Sở Giáo dục, của Thành ủy và báo điện từ Lào Cai. Có 9 bài viết của CBGV, HS đạt giải cuộc thi viết về tấm gương người tốt cấp thành phố, 06 bài của giáo viên, học sinh được giải cuộc thi viết tấm gương người tốt cấp tỉnh (trong đó 01 giải Nhất của giáo viên, 01 giải Nhất của HS) – Đó là một thành công của mô hình Truyền thông và Hội nhập. Về phía học sinh: tỉ lệ chuyển lớp đạt trên 99%, tỉ lệ HTCTTH đạt 100%, lượt học sinh đạt giải và đạt giải cao các sân chơi Quốc tế cũng được nâng tầm. Một bộ phận học sinh có thể “săn” tin, viết báo chuyên nghiệp. Đặc biệt, từ đầu năm học 2020-2021 tới nay, cùng với cơ sở vật chất khang trang được trang bị, trường đã đón rất hiều đoàn đến công tác, tham quan và là nơi đặt địa điểm tổ chức nhiều hội nghị cấp Phòng, cấp Sở. Công việc chồng chất, nhưng chị luôn phân công công việc, sắp xếp bố trí khoa học để mọi hoạt động diễn ra đều tay, nền nếp và chuyên nghiệp.

Nguyễn Du hôm nay khang trang khởi sắc, bên cạnh sự quan tâm của các cấp lãnh đạo thì công đầu thuộc về chị - người thuyền trưởng tài ba. Đó cũng là kết quả của một tập thể đoàn kết, chung sức, trên dưới một lòng mà người thuyền trưởng như chị đã dày công vun đắp, xây dựng, hi sinh và cống hiến. Chị không nhận thành quả của riêng mình mà bao giờ cũng nói đó là thành quả của chúng ta, của tập thể, của sự cố gắng và thành quả của tinh thần đoàn kết. Minh chứng cho điều đó là thành tích của tập thể nhà trường, liên tục các năm đều được công nhận danh hiệu Tập thể lao động Tiên tiến. Với riêng chị, năm học 2017-2018, một lần nữa chị vinh dự được công nhận danh hiệu CSTĐ cấp tỉnh theo QĐ số 3210/QĐ – UBND tỉnh Lào Cai, ngày 12/10/2017 và các năm sau đó cho đến nay, liên tục chị được công nhận danh hiệu CSTĐCS, LĐTT. Vinh quang đó là thành quả xứng đáng cho sự cống hiến hi sinh và sáng tạo.

Không chỉ tài giỏi, chị còn là người sống tình cảm, chân thành và không vụ lợi. Trong gia đình, chị là người con hiếu thuận, người vợ hiền, người mẹ mẫu mực và người bà tình cảm. Hàng xóm rất yêu quý chị vì lối sống giản dị, chân chất và gần gũi. Với chị em đồng nghiệp, ngoài công việc yêu cầu chỉn chu, nghiêm khắc thì chị rất quan tâm, tạo điều kiện để chị em có nhiều thời gian chăm sóc gia đình và bản thân. Chị còn là người có nguyên tắc, có kỉ luật, rèn luyện bản thân nghiêm túc. Khi được hỏi chị dành thời gian nào để chăm sóc gia đình, chị cười và chia sẻ: “Mình may mắn là có anh xã luôn quan tâm, động viên và là hậu thuẫn tuyệt vời. Hầu như mình không phải động tay đến công việc nhà vì thế mình mới dành hết thời gian cho công việc trường, lớp. Còn các con mình đều đã trưởng thành và xây dựng gia đình. Những lúc rảnh, mình thường chơi cùng các cháu và rèn luyện thể thao”. Hẳn nào, chị làm việc không chờ ngày nghỉ, bất kể sáng sớm, tối muộn hay những ngày cuối tuần.

Còn nhiều lắm những cách làm hay, sáng tạo mà bạn cần “đích mục sở thị”. Hãy đến với Nguyễn Du chúng tôi, bạn sẽ thấy, sẽ cảm nhận được về tấm gương điển hình sáng tạo ấy của Lào Cai.

Tôi biết đâu đó vẫn còn những ý kiến trái chiều, vẫn còn những ý kiến góp ý chưa được giải quyết kịp thời, vẫn còn những tâm tư mà chưa được thấu hiểu hết, vẫn còn những lời nhận xét thẳng thắn mà có nhiều người không thích… Nhưng con người “nhân vô thập toàn”, ở vai trò lãnh đạo, với chúng tôi – tập thể Nguyễn Du đánh giá chị là một lãnh đạo xuất sắc, chân tình, thẳng thắn và luôn “Nói đi đôi với làm”, một quản lí có tài, có tầm và có tâm. Chúng tôi tự hào về người thuyền trưởng của chúng tôi. Riêng tôi, chị là tấm gương sáng về việc tự học, sáng tạo, say mê và tích cực.

Chúng tôi vẫn nói, Nguyễn Du là vùng đất mới, là nơi để chị thỏa sức sáng tạo và đam mê. Các cấp lãnh đạo đánh giá cao về những thành tích của nhà trường và ghi nhận những đóng góp của chị cho Giáo dục Thành phố Lào Cai. Còn tập thể, chúng tôi luôn đoàn kết bên nhau cùng thực hiện xứ mệnh của người thầy. Và tôi tin chắc rằng, chị sẽ tiếp tục là một người thuyền trưởng dũng mãnh, kiên cường mà vẫn đủ nét dịu dàng của người phụ nữ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà.”./

Nguyễn Du hôm nay!

Nguyễn Hoàn

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập